THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ
THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

Tin tức

THÀNH TỶ PHÚ NHỜ TRỒNG RỪNG TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

NDĐT - Xác định tiền năng, lợi thế của địa phương là đất lâm nghiệp rộng lớn, qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ trồng rừng, đến nay, ông Hạ Sĩ Lường, ở khu chợ I, xã Bằng Vân, đã trở thành tỷ phú ở huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) nhờ “ có nhiều rừng nhất”.

 

Ở huyện vùng cao Ngân Sơn, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông, nhiệt độ xuống thấp kéo dài, chỉ trồng được cây thông. Chưa kể, đồi núi trọc rộng bát ngát, độ dốc cao, xa đường giao thông nên trồng rừng rất khó khăn.

Người dân địa phương ngại trồng rừng còn do ý nghĩ: sau này, rừng đến tuổi khai thác, không có đường vận chuyển gỗ đi tiêu thụ thì trồng làm gì. Ông Lường xác định: “Trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, khi được thu hoạch thì gỗ rừng trồng mang lại thu nhập cao thật đấy. Nhưng chỉ có tình yêu đối với rừng là chưa đủ, mà trước hết phải có tiền, nghị lực và quyết tâm cao thì mới trồng được rừng trong điều kiện khó khăn như thế”.

Xác định như vậy, những năm qua, ông tận dụng mọi cơ hội để trồng rừng. Không có đất thì ông hợp tác với các hộ có đất lâm nghiệp để tự bỏ vốn trồng rừng; tiếp cận các chương trình, dự án để được hỗ trợ giống, kinh phí trồng rừng; thậm chí ông thuê đất của người dân, vay vốn, thuê nhân lực địa phương trồng rừng.

Ông Lường nhớ lại: “Từ những năm 2000, người dân địa phương còn coi trồng rừng là việc làm ... lãng mạn và viển vông, thì tôi đã thuê đất lâm nghiệp bỏ hoang để trồng rừng. Xây dựng các vườn ươm, thuê người sản xuất cây giống ở gần các chân lô trồng rừng, vừa giảm giá thành cây giống, vừa không phải vận chuyển đi xa, cây con có chất lượng tốt. Tôi huy động cả vợ con, thuê nhân công phát dọn thực bì, cuốc hố, thuê cả ngựa thồ cây giống từ các vườn ươm lên khu vực Pác Lạng ở xã Đức Vân, khu Pù Mò thuộc xã Bằng Vân ... để trồng rừng”.

Khởi đầu là năm 2001, sau khi thuê được đất, ông tự bỏ vốn trồng mười héc-ta rừng thông. Năm tiếp theo, với chính sách trồng rừng nguyên liệu của tỉnh, được hỗ trợ phân bón, giống, tiền công, ông Lường trồng được mười héc-ta thông nữa. Những năm sau, ông mới được các dự án trồng rừng nguyên liệu, PAM, 661 giúp đỡ, Dự án 147 (ba năm gần đây) hỗ trợ giống, hỗ trợ công trồng 1,5 triệu đồng/héc-ta, thế nhưng, tính ngày công ông thuê người dân địa phương đã hết khoảng bốn triệu đồng/héc-ta.

Mặc dù trồng rừng từ các chương trình, dự án có hỗ trợ, nhưng phải sau gần một năm, khi các cơ quan của tỉnh, huyện nghiệm thu mật độ cây sống từ 85% trở lên, ông mới được trả tiền công trồng. Để có thể trồng được hàng chục héc-ta rừng mỗi năm, ông Lường phải thuê nhân công địa phương phát dọn thực bì, cuốc hố, thuê ngựa thồ cây giống leo núi trồng rừng.

Những năm đầu, tiền công là 70 nghìn đồng/ngày, nay tăng lên 150 nghìn đồng/ngày. Vào vụ trồng rừng, ông thường có khoảng 30 người làm. Bà con trồng rừng cho, ông không nỡ nợ tiền công vì cái suy nghĩ “bà con đều nghèo mới phải đi làm thuê làm mướn”. Để có tiền trả công, trong nhà cái gì có giá trị ông bán hết, hoặc không thì vay anh em, bạn bè.

Những năm sau này, ông không phải đôn đáo “chạy” tiền chi trả cho nhân công trồng rừng như những năm đầu, vì rừng thông từ năm thứ tám trở ra là được tỉa thưa bán làm cột chống lò. Theo ông. đó là cách “lấy ngắn nuôi dài”, để rồi, từ 15 năm trở đi, ông có thể khai thác lấy gỗ. Cho đến nay, ông Lường đã trồng được hơn 400 héc-ta rừng. Đặc biệt, năm 2013, cả huyện Ngân Sơn trồng được hơn một nghìn héc-ta thì riêng ông trồng được 214 héc-ta.

Ông Lường hăm hở dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” những cánh rừng thông ở xã Đức Vân trồng đầu những năm 2000 đã bắt đầu được thu hoạch, những vạt rừng ba đến bốn năm tuổi ở Thượng Ân, Bằng Vân đã bắt đầu khép tán xanh tốt. Ai không quen đi rừng, chỉ leo núi thăm rừng thông của ông Lường còn thấy mệt, nhưng ai cũng cảm phục ông Lường có nghị lực, quyết tâm cao, lao tâm khổ tứ như thế nào trong những năm qua thì mới có kết quả rõ rệt như thế.

Những cánh rừng ông trồng 15 năm về trước, nay đã có thể khai thác tỉa, trong đó có mười héc-ta có thể khai thác “trắng” trong năm nay để trồng mới.

Ông Lường phấn khởi: “Mười héc-ta rừng đến tuổi khai thác, nếu bán gọn cho người ta tự khai thác cũng thu được gần hai tỷ đồng đấy!”.

Tuy nhiên, không bán cho những người buôn gỗ, ông lại mua hai máy ủi, máy xúc cũ, mở đường vận chuyển, mở xưởng chế biến lâm sản để nâng cao giá trị của gỗ và giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động vốn đã trồng rừng cho ông trong những năm qua.

Ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bằng Đức, với chức năng trồng rừng và chế biến lâm sản, ông tính toán: “Mình không có nhiều vốn nên chỉ có cách khai thác rừng trồng trước, để kết hợp với nhân dân địa phương có đất, đầu tư trồng tiếp những cánh rừng mới vào những năm tới”.

Chủ tịch UBND xã Bằng Vân Nông Thanh Bạch tâm sự: “Là thương binh hạng 3/4, nhưng ông Lường không sợ khó ngại khổ, vươn lên đi đầu trong việc trồng rừng ở cả huyện và giàu lên từ trồng rừng. Việc làm của ông rất đáng để bà con noi theo, tiềm năng của địa phương sẽ được khai thác, làm giàu từ rừng”.

Chưa cần chế biến, mỗi héc-ta thông đến tuổi khai thác mang lại giá trị khoảng 200 triệu đồng, ông Lường trở thành tỷ phú từ trồng rừng. Không dừng lại ở đó, với tình yêu đối với rừng, sự quyết tâm vượt khó, ông Lường vẫn tiếp tục trồng rừng, mang lại màu xanh cho quê hương và làm giàu cho mình, giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho bà con ở địa phương./.

Tin tức khác

backtop